Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:59 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển đồng bằng Bắc Bộ, tạo thế, thời cơ có lợi đánh bại địch ngay trên tuyến mép nước, bảo vệ vững chắc địa bàn, cần tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp. Trong đó, công tác bảo đảm kỹ thuật giữ vị trí đặc biệt quan trọng, trực tiếp đáp ứng đầy đủ nhu cầu số lượng, chất lượng, chủng loại, sự đồng bộ của vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp cho lực lượng vũ trang địa phương tác chiến. Tuy nhiên, từ thực tiễn chuẩn bị và tổ chức bảo đảm kỹ thuật trong diễn tập khu vực phòng thủ vẫn còn một số bất cập, như: đăng ký, quản lý, nắm bắt sự thay đổi số lượng, chất lượng lực lượng dự bị động viên kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật gặp khó khăn; động viên công nghiệp cho bảo đảm kỹ thuật chưa cao; xây dựng thế trận kỹ thuật chưa đồng bộ, chưa tương xứng với khả năng địa phương; phương án tổ chức sử dụng lực lượng bảo đảm kỹ thuật cho tác chiến chưa toàn diện, v.v. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển đồng bằng Bắc Bộ, công tác bảo đảm kỹ thuật cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chuẩn bị bảo đảm kỹ thuật cho tác chiến ngay từ thời bình. Đây là yêu cầu mang tính nguyên tắc trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Quá trình chuẩn bị liên quan tới nhiều sở, ngành địa phương, vận hành cơ chế phức tạp. Do vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản pháp quy Nhà nước liên quan tới xây dựng khu vực phòng thủ trong tình hình mới. Trọng tâm là: Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, v.v. Trong đó, tập trung vào những nội dung liên quan tới chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng lực lượng dự bị động viên kỹ thuật và động viên công nghiệp bảo đảm kỹ thuật. Các địa phương cần ban hành nghị quyết chuyên đề, văn bản hướng dẫn phù hợp điều kiện của mình; chú trọng kết hợp quy hoạch, kế hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng hạ tầng bảo đảm kỹ thuật, nâng cao chất lượng và khả năng sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang. Gắn trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, cơ quan quân sự địa phương trong đăng ký, quản lý, huấn luyện, diễn tập đối với lực lượng dự bị động viên kỹ thuật, động viên công nghiệp bảo đảm kỹ thuật của lực lượng vũ trang địa phương.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm kỹ thuật tác chiến. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo tính pháp lý, gắn trách nhiệm cả hệ thống chính trị trong chuẩn bị bảo đảm kỹ thuật sẵn sàng đáp ứng cho lực lượng vũ trang khi có chiến tranh. Nội dung cần tập trung vào mở rộng tạo nguồn lực lượng dự bị động viên kỹ thuật; ngoài nguồn truyền thống, cơ quan quân sự địa phương cần mở rộng nguồn từ sinh viên các trường đại học, cao đẳng nghề, công nhân trong các cơ sở công nghiệp: cơ khí, tàu thuyền, ô tô,… trên địa bàn để bổ sung, biên chế cho đơn vị dự bị động viên kỹ thuật, sẵn sàng huy động khi có tình huống. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng tư vấn đề xuất với Hội đồng cung cấp, ủy ban nhân dân một số nội dung làm cơ sở tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện cơ chế đăng ký, quản lý nguồn động viên theo hướng: gắn việc đăng ký nguồn dự bị động viên kỹ thuật - điều kiện “thông hành” cho việc đảm bảo kỹ thuật tác chiến; gắn trách nhiệm các chủ sở hữu lao động trong quản lý, huấn luyện, diễn tập đối với lực lượng dự bị động viên kỹ thuật. Cơ quan quân sự địa phương được quyền kiểm tra hành chính về chấp hành đăng ký nguồn dự bị động viên kỹ thuật đối với các phương tiện kỹ thuật thuộc diện động viên; được cung cấp hồ sơ xin việc, khi thay đổi công tác, thay đổi chủ sở hữu phương tiện kỹ thuật thuộc diện động viên trước khi lưu hành.
Thực hiện chủ trương về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, các tỉnh, thành phố cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung, trách nhiệm, trình tự tham gia thẩm định của cơ quan quân sự địa phương, trong đó có cơ quan kỹ thuật đối với các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bảo đảm xây dựng lực lượng kỹ thuật theo quy hoạch tổng thể thế trận khu vực phòng thủ và quyết tâm tác chiến phòng thủ của người chỉ huy. Đồng thời, bảo đảm ngân sách hằng năm cho xây dựng lực lượng dự bị động viên kỹ thuật; cơ sở kỹ thuật, động viên công nghiệp và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ cho bảo đảm kỹ thuật.
Thứ ba, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ kỹ thuật. Trong điều kiện không tăng tổ chức, biên chế, các địa phương phải căn cứ vào số lượng, chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong biên chế và đặc điểm địa lý của địa phương để thành lập lực lượng dân quân, tự vệ sửa chữa các cấp. Lựa chọn nguồn quân nhân dự bị có trình độ chuyên môn kỹ thuật tốt, gần chuyên ngành kỹ thuật quân sự, nhưng chưa sắp xếp vào các đơn vị dự bị động viên kỹ thuật (kể cả lực lượng dự phòng), đề xuất biên chế tổ, tiểu đội sửa chữa theo phân cấp. Về phương tiện và vật tư kỹ thuật, cơ quan quân sự các tỉnh, thành phố tính toán đề đạt quân khu tăng cường hoặc đề xuất địa phương đầu tư, mua sắm, huy động từ nền kinh tế của mình. Về chỉ huy, chỉ đạo và huấn luyện, đối với cấp tỉnh, lực lượng dân quân, tự vệ sửa chữa, cứu kéo tàu, thuyền chịu sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của phòng kỹ thuật Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố. Phòng kỹ thuật cơ quan quân sự tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp, hiệp đồng với phòng kỹ thuật Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố, cơ quan kỹ thuật lữ đoàn vận tải thủy của quân khu xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện. Đối với cấp huyện, lực lượng dân quân, tự vệ sửa chữa chịu sự chỉ huy, chỉ đạo và huấn luyện của ban hậu cần - kỹ thuật, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, quận; nội dung tập trung vào quy trình sửa chữa hư hỏng nhẹ, vật tư thay thế đối với các chủng loại vũ khí, trang bị trong biên chế cấp mình.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ khả năng bảo đảm kỹ thuật tác chiến của các lực lượng. Đây là yêu cầu vừa có tính nguyên tắc, vừa có tính kế thừa, nhằm huy động sức mạnh cao nhất của toàn dân tộc vào đảm bảo kỹ thuật tác chiến. Ngay trong giai đoạn chuẩn bị, cơ quan quân sự các địa phương phải tham mưu với Hội đồng cung cấp, điều hành, phối hợp và hiệp đồng với các ngành, tổ chức kinh tế - xã hội huy động mọi khả năng, lực lượng tham gia: di chuyển, triển khai lực lượng và cơ sở kỹ thuật vào các vị trí; bảo dưỡng, sửa chữa, cứu kéo vũ khí, trang bị kỹ thuật hư hỏng, tồn đọng trước và phát sinh sau chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; chuẩn bị đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ cơ động, chỉ huy, chỉ đạo bảo đảm kỹ thuật, v.v. Phối hợp với các sở, ban, ngành nắm chắc nguồn lực lượng dự bị động viên kỹ thuật sẵn sàng tiếp nhận, bổ sung kịp thời, đảm bảo số lượng, chất lượng. Đối với các lực lượng khác trong khu vực phòng thủ, cơ quan kỹ thuật quân sự địa phương hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng kỹ thuật quân khu, đơn vị chủ lực của quân khu, Hải quân, Biên phòng bổ sung vũ khí, trang bị, vật tư, phương tiện kỹ thuật cũng như cán bộ, nhân viên kỹ thuật cho lực lượng vũ trang trên tuyến đảo; sửa chữa, cứu kéo tàu, thuyền hỏng của Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố và dân quân, tự vệ biển; dự trữ, bảo đảm vũ khí, trang thiết bị, vật tư kỹ thuật cho lực lượng vũ trang các huyện ven biển, đảo, v.v. Trong tác chiến: cơ quan quân sự tiếp tục hiệp đồng với các lực lượng trong khu vực phòng thủ tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa, cứu kéo vũ khí, trang bị kỹ thuật theo khả năng; thu hồi vũ khí, trang bị kỹ thuật hỏng và chiến lợi phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu của địa phương cho sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa, cứu kéo vũ khí, trang bị kỹ thuật, phòng thủ bảo vệ lực lượng và cơ sở kỹ thuật, nhất là trên biển và các tuyến đảo.
Thứ năm, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, xã hội với xây dựng thế trận kỹ thuật bờ, biển, đảo vững chắc, hiểm hóc, linh hoạt, liên hoàn. Căn cứ quyết tâm phòng thủ các cấp, quy hoạch, kế hoạch tổng thể thế bố trí quốc phòng, phát triển vùng kinh tế trọng điểm của Chính phủ và tình hình cụ thể của địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát tổng thể quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, kế hoạch xây dựng thế trận quốc phòng khu vực phòng thủ, đảm bảo liên kết, đồng bộ, tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo tiền đề, cơ sở khoa học thiết lập thế trận kỹ thuật khu vực phòng thủ: vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn và linh hoạt sẵn sàng chi viện cho nhau, phục vụ tốt nhiệm vụ tác chiến. Khi bố trí lực lượng kỹ thuật và cơ sở kỹ thuật cần kết hợp yếu tố địa chất, địa hình với hang động, nơi dự kiến xây dựng các công trình dân sự; ưu tiên nghiên cứu, phát triển vật liệu và xây dựng công trình mang tính lưỡng dụng, hầm ngầm có khả năng cất chứa vũ khí, trang bị kỹ thuật, đạn dược. Trong phát triển nông, lâm, ngư nghiệp cần gắn chặt với trồng cây chắn sóng đảm bảo ngụy trang, che giấu lực lượng và cơ sở kỹ thuật. Ưu tiên xây dựng cơ sở sản xuất, sửa chữa cơ khí, tàu, thuyền đáp ứng nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế, tạo tiềm lực sẵn sàng chuyển hướng bảo đảm kỹ thuật. Đồng thời, tổ chức khơi thông luồng, lạch vừa xây mới, vừa cải tạo cảng biển, cảng sông, bến phà,... bảo đảm giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động tác chiến khu vực vực phòng thủ, tác chiến quân khu vùng ven biển.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch điều chỉnh bố trí dân cư, khuyến khích ngư dân tích cực tham gia xây dựng, phát triển kinh tế biển, đảo. Có chính sách ưu đãi thu hút nhân dân và huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp trong nước, thậm chí cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài yên tâm xây dựng, phát triển kinh tế biển bền vững. Thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý nguồn nhân lực kỹ thuật trong dân, đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, chuyên ngành gần với nhu cầu Quân đội trong các cơ sở kỹ thuật, biên chế vào đơn vị dự bị động viên, lực lượng dân quân, tự vệ, tổ chức huấn luyện, tạo nguồn sẵn sàng huy động bổ sung bảo đảm kỹ thuật khi cần thiết.
Đại tá, TS. PHẠM ANH TUẤN, Cục Nhà trường Bộ Tổng Tham mưu
Bảo đảm kỹ thuật,tác chiến phòng thủ
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc